2. Nội dung của văn hóa đại học
Thế nào là văn hoá Đại học?
Trường Đại học không chỉ là tồn tại vật chất khách quan mà còn là một dạng tồn tại văn hoá và tinh thần. Tồn tại vật chất của Đại học rất đơn giản: thiết bị, dụng cụ, trường sở v.v… Thế nhưng Đại học sở dĩ gọi là Đại học, mấu chốt là tồn tại văn hoá và tồn tại tinh thần của nó.
Văn hoá Đại học là văn hoá tìm kiếm chân lý, là văn hoá nghiêm chỉnh coi trọng thực tế, là văn hoá theo đuổi sự tìm kiếm lý tưởng và hoài bão của đời người, là văn hoá tôn thờ tự do học thuật, văn hoá đề xướng lý luận gắn với thực tế, văn hoá tôn thờ đạo đức, văn hoá bao dung, là dạng văn hoá có tinh thần phê phán quyết liệt. Văn hoá Đại học thể hiện một tính chung, cốt lõi và linh hồn của nó thì thể hiện ở tinh thần Đại học.
Lời răn của nhà trường [nguyên văn chữ Hán: “Hiệu huấn”; còn gọi là Khẩu hiệu truyền thống của nhà trường hoặc châm ngôn của nhà trường] là thứ tượng trưng cho tinh thần Đại học, đó là kết tinh lịch sử và văn hoá nhà trường, là thể hiện tập trung ý tưởng tổ chức học tập của nhà trường, cũng là một biểu đạt ngắn gọn nội dung văn hoá riêng của nhà trường.
Một tờ báo từng tiến hành trưng cầu ý kiến của 4.762 người với câu hỏi:
“Bạn cho rằng trường Đại học nào của Trung Quốc có khẩu hiệu truyền thống tốt nhất?”
Kết quả, khẩu hiệu truyền thống của Đại học Thanh Hoa được 54% số phiếu, xếp thứ nhất: “Tự cường bất tức, hậu đức tải vật” [câu này lấy từ sách Kinh Dịch, ý nói yêu cầu học sinh mãi mãi phấn đấu tự cường tiến lên hàng đầu, có tinh thần đoàn kết hợp tác, nghiêm khác với bản thân, vô tư dâng hiến].
“Tự cường bất tức” phản ánh tinh thần dân tộc Trung Hoa, câu này cũng được rất nhiều Đại học Trung Quốc dùng làm khẩu hiệu truyền thống của mình.
Năm 2006 khi nói chuyện tại Đại học Yale, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng dẫn câu “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức” [Đạo trời vận hành mạnh mẽ vững bền, kẻ quân tử nên tự giác phấn đấu vươn lên không ngừng][1]
Danh ngôn lưu truyền muôn đời này của Trung Quốc nhằm trình bày tinh thần tự cường không ngừng, khai phá sáng tạo bao năm của dân tộc Trung Hoa. 5.000 năm qua, sở dĩ dân tộc Trung Hoa đời đời không ngừng phấn đấu, trải qua bao trắc trở mà không bị khuất phục chính là nhờ dựa vào tinh thần quyết tâm vươn tới hùng cường, dung nạp bao quát tất cả các mặt, ngày càng tiến lên. Mọi thành tích giành được từ cải cách mở cửa tới nay cũng là sự khắc hoạ tinh thần đó.
Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Phục Đán được xếp hạng thứ hai: “Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhi cận tư” [Người có trí thức phong phú thì phải có lý tưởng cao xa, luôn luôn đặt câu hỏi thì phải suy nghĩ sâu sắc][2]
Giáo sư Lý Chính Đạo [Nobel vật lý 1957 cùng Dương Chấn Ninh] đặc biệt thích chữ thứ hai trong mỗi vế trên: học và vấn (hỏi). Học hỏi [chữ Hán: học vấn, tức là phải hỏi chuyện để biết (vấn đề), chứ không phải là trả lời cho bằng được (đáp án)].
Thế nhưng tôi phát hiện ra sự khác biệt văn hoá rất lớn giữa nước ta với phương Tây. Phụ huynh các nước Anh, Mỹ thấy con đi học về đều hỏi:
“Hôm nay con hỏi được mấy vấn đề?”
Còn ở ta, phụ huynh hỏi:
“Hôm nay con được mấy điểm?”.
Có lần tôi thấy một người đến cơ quan làm việc với vẻ mặt rất không vui, tôi hỏi:
“Hôm nay ông sao thế?”
Ông ta trả lời:
“Tôi đang tức điên người vì con bé nhà tôi thi được có 99 điểm”.
Tôi bảo:
“Tôi làm ngành vật lý cho nên biết là theo lý thuyết sai số, kém 1 điểm vẫn đạt trình độ quốc tế đấy ạ”.
Ông ta nói:
“Kém một điểm liệu có thể được vào Đại học Phục Đán chăng?”
Tôi chẳng biết nói gì nữa. Chế độ thi cử của chúng ta hiện nay rất nghiêm ngặt, điều đó có ảnh hưởng sâu sắc tới văn hoá Đại học của chúng ta.
Einstein từng nói:
“Tôi không có tài năng gì đặc biệt cả, chẳng qua là thích hỏi cho ra nhẽ mà thôi”.
Teller cha đẻ bom khinh khí Mỹ mỗi lần đến phòng thí nghiệm đều đặt ra các câu hỏi này nọ, mỗi ngày ít nhất ông nêu ra 10 vấn đề, nhưng thường thường có 8-9 vấn đề sai. Có điều cái sáng tạo vĩ đại của ông lại chính là ở 1-2 vấn đề đúng kia. N. Bohr, một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất thế kỷ 20 từng nói:
“Không có câu hỏi nào ngu ngốc cả”.
2.500 năm trước đây loài người đưa ra câu hỏi “Thế giới cấu tạo như thế nào”, – câu hỏi này đánh dấu sự khởi đầu của khoa học tự nhiên. Bởi vậy, các bạn trẻ cần dũng cảm nêu vấn đề, không nêu ra được vấn đề thì sẽ không có sáng tạo. Điều này nên trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng trong nội dung văn hoá Đại học của chúng ta.
Văn hoá Đại học là văn hoá tìm kiếm chân lý, nghiêm chỉnh theo đuổi sự thật
Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Harvard chỉ có một từ: Truth[3] (chân lý, sự thật; có người dịch là Hãy để sự thật kết bạn với ta). Theo đuổi chân lý mà không mê tin quyền uy. Văn hoá Đại học là văn hoá theo đuổi chân lý, nghiêm chỉnh tìm kiếm sự thật.