Chiến tranh thương mại : Mỹ tạm thắng Trung Cộng hiệp đầu
RFI Tiếng Việt
Trọng Thành
Đăng ngày 28-12-2018
Về thời sự quốc tế, Les Echos có chùm bài đáng chú ý về cuộc đọ sức Mỹ-Trung, vừa bước sang một khúc quanh mới. Bài “ Thương mại : Trung Cộng quyết định có một số nhân nhượng với Mỹ” nhấn mạnh trước hết là tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khoe khoang là đã đạt được một số kết quả đầu tiên trong cuộc chiến tranh thuế với Bắc Kinh.
Cụ thể là Trung Cộng đã hạ bớt hàng rào thuế quan đối với một số hàng hóa của Mỹ, và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, một đòi hòi hàng đầu của Hoa Kỳ. Kể từ đầu tháng Giêng năm tới, thuế xe hơi từ Mỹ sẽ giảm còn 15% (so với 40% trước đó), và biện pháp này được áp dụng trong ba tháng, tương đương với giai đoạn thương lượng song phương. Bắc Kinh cũng tặng cho Washington một món quà Noel khác, đó là điều chỉnh thuế tạm thời đối với hơn 700 loại hàng hóa Mỹ, nhằm tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu Mỹ, trong đó có nhiều mặt hàng quan trọng với Mỹ, như động cơ máy bay, rô-bốt công nghiệp, uranium, đặc biệt là đậu tương, dầu mỏ, khí hóa lỏng. Thuế đối với các mặt hàng công nghệ tin học cũng dự kiến giảm.
Một nhân nhượng đáng kể khác là chính quyền Trung Cộng vừa công bố dự luật về tăng cường quản lý sở hữu trí tuệ, chống việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ. Và ngay từ tuần lễ thứ hai của năm mới, một đoàn đàm phán Mỹ sẽ tới Bắc Kinh để thương lượng. Thời gian là một tuần. Theo Les Echos, Hoa Kỳ và Trung Cộng sẽ tiếp tục đàm phán cho đến ngày 1/3, tức hạn chót theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai bên.
Tuy nhiên, theo nhật báo kinh tế Pháp, thắng lợi tạm thời của Mỹ và triển vọng hai bên đạt thỏa thuận là khá mong manh. Trong thời gian tới, tổng thống Mỹ có thể ra một sắc lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ mua thiết bị viễn thông của hai tập đoàn hàng đầu Trung Quốc, ZTE và Hoa Vi, với lý do đe dọa an ninh quốc gia.
Nội bộ Trung Cộng phân hóa
Về phản ứng trong nội bộ Trung Cộng, Les Echos ghi nhận là áp lực từ phía nước Mỹ đang đặt lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình trước nhiều thách thức. Theo nhà Trung Cộng học Willy Lam (tức Lâm Hòa Lập), đại học Hồng Kông, ông Tập Cận Bình bị chỉ trích ngay trong nội bộ đảng Cộng Sản, với lý do đã “đánh giá thấp” quyết tâm của tổng thống Mỹ, cũng như không dự đoán được là việc thuế tăng sẽ ảnh hưởng mạnh đến các khu vực xuất khẩu ở miền đông và miền nam Trung Cộng, cũng như nhiều lĩnh vực công nghiệp trọng điểm khác. Ngay cả báo chí chính thống cũng thay đổi giọng điệu, khi thừa nhận rằng tình hình kinh tế Trung Cộng hiện nay là rất nghiêm trọng, như ghi nhận của nhà nghiên cứu chính trị độc lập Hoa Pha (Hua Po), sống tại Bắc Kinh. Ông Hoa Pha cho biết nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, thất nghiệp gia tăng.
Cũng về tình hình nội bộ Hoa Pha (Hua Po), bài “Chiến tranh thương mại khiến Trung Cộngchia rẽ ” của Le Figaro nói đến mong muốn của nhiều doanh nhân nước này. Le Figaro dẫn lại nhận định của nhà phân tích Duncun Clark, theo đó, khá đông chủ doanh nghiệp hy vọng là tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây áp lực với Bắc Kinh, để tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân của Trung Cộng được chính quyền lắng nghe.
Một dấu hiệu khác cho thấy sự lúng túng của Bắc Kinh là một hội nghị trung ương bàn về chiến lược kinh tế, dự kiến diễn ra vào mùa thu, đã bị dời lại, mà không hề có giải thích. Còn tại hội nghị công tác kinh tế trung ương thường niên, do Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản, phối hợp với chính phủ Trung Cộng tổ chức, diễn ra hồi tuần trước, ban lãnh đạo Bắc Kinh đã để ngỏ khả năng thỏa hiệp với Mỹ, nhưng gạt sang một bên chiến lược cải tổ sâu sắc mô hình Nhà nước hiện nay.
Đàn áp mạnh để củng cố nội bộ
Le Monde chú ý đến tình trạng “Trung Cộng sôi sục trước dịp kỷ niệm 30 năm thảm sát Thiên An Môn”. Các nhà hoạt động nhân quyền, giới Thiên Chúa Giáo và kể cả những người Mao-ít là các đối tượng đàn áp. Hai trường hợp tiêu biểu được đưa ra là phiên tòa xử kín ngày 26/12, đối với luật sư Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang), người cuối cùng trong số 200 nhà hoạt động bị bắt bớ hồi mùa hè 2015. Trường hợp thứ hai là lãnh đạo sinh viên Mao-ít. Khưu Chiêm Huyên (Qiu Zhanxuan), bị bắt cũng vào ngày hôm qua, khi chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 125 năm ngày Mao Trạch Đông ra đời.
Theo Le Monde, mục tiêu số một của ông Tập Cận Bình hiện nay là tìm mọi cách dẹp các tiếng nói bất đồng, để củng cố sự thống nhất trong đảng, hơn là tiến hành các cải cách về kinh tế.
Tổng thống Mỹ ngày càng độc đoán và cô đơn
Về phía nước Mỹ, tổng thống Donald Trump tuy gặt hái được một số thành công tạm thời trước Trung Cộng, nhưng bị chỉ trích là đang trở thành mối đe dọa với nhiều khu vực. Xã luận La Croix với tựa đề “Sự cô đơn của Donald Trump” nhận xét :
“Là đệ tử của chủ trương ‘‘phá hủy sáng tạo”, tổng thống Hoa Kỳ liên tục đưa ra những phát biểu chấn động, làm tan vỡ đa số quan hệ cân bằng mong manh, vốn đã được xây dựng một cách rất gian nan, từ hàng chục năm nay. Từ hai năm nay, ông Donald Trump đã trở thành một chuyên gia phá hoại ”.
La Croix nhắc đến quyết định nhanh chóng rút quân Mỹ khỏi Syria cách nay ít hôm làm lợi cho đối thủ Iran, việc tấn công vào Ngân Hàng Trung Ương Mỹ khiến các thị trường hốt hoảng, hay việc siết chặt quyền tị nạn buộc Tòa Án Tối Cao Mỹ phải can thiệp… như là các hành động khiến tổng thống Trump bị nhiều người thân cận rời bỏ, ngày càng trở nên cô lập. Càng cô lập, tổng thống Trump lại càng lún sâu vào chiếc bẫy của chính mình.
La Croix cảnh báo là, việc đưa ra các quyết định táo bạo để phá thế bế tắc là tốt, nhưng phải đi kèm với các giải pháp. Phong cách điều hành của tổng thống Mỹ hiện nay nhìn chung có hại cho nước Mỹ và phần còn lại của thế giới.